Gắn sao OCOP cho trà mãng cầu, khô cá tra Cần Thơ Huyện Ba Vì (Hà Nội): Gắn sao OCOP, thêm cơ hội cho sản phẩm địa phương Bứt phá từ OCOP, Sơn La định hình nông thôn mới |
Bước khởi đầu của hành trình nâng tầm sản phẩm địa phương
Tuần hàng “Giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền” quận Đống Đa 2025, diễn ra từ 22 đến 25/5/2025 với hơn 500 sản phẩm OCOP, làng nghề và nông sản an toàn đến từ Hà Nội và 20 tỉnh, thành trong cả nước được trưng bày tại 50 gian hàng.
Tuần hàng “Giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền” quận Đống Đa 2025 không chỉ là dịp để người dân Thủ đô tiếp cận các sản phẩm nông sản, thực phẩm sạch từ khắp các vùng miền, mà còn là bệ phóng cho các chủ thể OCOP - những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đang nỗ lực nâng tầm sản phẩm quê hương bằng chất lượng và câu chuyện văn hóa bản địa.
Hộ kinh doanh Minh Phương (Phú Thọ) là một trong những đơn vị nổi bật tại tuần hàng lần này. Chị Minh Phương (chủ hộ kinh doanh) chia sẻ: “Chúng tôi khởi đầu với các loại nông sản sạch như miến dong Hạ Hòa, măng khô Thanh Sơn, chè xanh Tân Sơn. Sau nhiều năm chuẩn hóa vùng nguyên liệu, cải tiến bao bì, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hiện sản phẩm của chúng tôi chủ yếu là các sản phẩm OCOP 3 sao”.
![]() |
Gian hàng của Hộ kinh doanh Minh Phương tại Tuần hàng OCOP Đống Đa 2025. |
Điều đáng nói, theo chị Phương, chính quá trình làm hồ sơ OCOP đã buộc hộ kinh doanh phải nhìn lại toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm, từ nguồn gốc nguyên liệu, công nghệ sơ chế, tiêu chuẩn kiểm định đến khả năng truy xuất và nhận diện thương hiệu. “OCOP không phải là một cuộc thi, mà là một quy trình nâng cấp sản phẩm toàn diện”, chị nhấn mạnh.
Tương tự, Công ty TNHH Tinh hoa Làng hương Việt là đơn vị bảo tồn và phát triển làng nghề làm hương truyền thống tại xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) cũng tận dụng chương trình OCOP để “hiện đại hóa” sản phẩm tưởng như đã bão hòa.
Đại diện công ty, cho biết: “Trước đây, sản phẩm hương của làng chỉ tiêu thụ trong vùng. Nhờ tham gia OCOP, chúng tôi nghiên cứu thị trường, cải tiến mẫu mã, đưa ra các dòng sản phẩm thân thiện môi trường như hương trầm sạch, hương không hóa chất, hiện đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao và chúng tôi đang gửi hồ sơ dự thi lại, hy vọng sẽ có bước phát triển”.
![]() |
Gian hàng của Công ty TNHH Tinh hoa Làng hương Việt tại Tuần hàng OCOP Đống Đa 2025 |
Cũng theo vị đại diện, điểm giá trị của OCOP không nằm ở tấm bằng công nhận, mà ở việc sản phẩm được tiếp cận hệ sinh thái thương mại rộng hơn: từ hệ thống hội chợ, tuần hàng đến sàn thương mại điện tử và chuỗi siêu thị. Đây chính là đòn bẩy giúp sản phẩm thủ công truyền thống “thoát ly” khỏi phạm vi làng xã.
Bài toán sống còn sau 'sao OCOP'
Dù đạt sao OCOP, nhiều chủ thể thừa nhận rằng bài toán lớn hơn nằm ở việc biến ngôi sao đó thành giá trị thực sự trên thị trường, cả về mặt doanh thu lẫn thương hiệu dài hạn.
Công ty Cổ phần Sữa chị Vàng Ba Vì là một ví dụ điển hình. Với các sản phẩm sữa chua, sữa chua uống và bánh sữa đặc trưng của vùng đồi núi Ba Vì, doanh nghiệp đã được công nhận OCOP 4 sao.
![]() |
Gian hàng của Công ty Cổ phần Sữa chị Vàng Ba Vì |
Đại diện công ty nhận định: “Các hội chợ xúc tiến thương mại hàng năm như thế này là cơ hội để chúng tôi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng thật, kết nối nhà phân phối thật”.
Đại diện công ty cho rằng, OCOP giống như tấm "visa thương hiệu", nhưng để sản phẩm đi xa, cần thêm "tấm vé máy bay" là xúc tiến thương mại bài bản.
Các chủ thể OCOP cho rằng để nâng cao giá trị và mở rộng đầu ra cho sản phẩm một cách bền vững, cần có những chính sách tập trung vào ba định hướng trọng tâm.
Đại diện Công ty TNHH Tinh hoa Làng hương Việt nhận định, hoạt động xúc tiến thương mại cần được triển khai theo chiều sâu, không chỉ dừng lại ở việc tổ chức các hội chợ hay tuần hàng theo mùa vụ.
“Cần có thêm các giải pháp hỗ trợ truyền thông dài hạn, quảng bá sản phẩm theo từng ngành hàng, từng địa phương cụ thể, gắn liền với các hoạt động du lịch nông thôn, trải nghiệm văn hóa bản địa. Đây là cách để kể được câu chuyện thương hiệu, khơi dậy giá trị văn hóa và tăng sức hấp dẫn của sản phẩm trong mắt người tiêu dùng đô thị”, đại diện Công ty TNHH Tinh hoa Làng hương Việt chia sẻ.
Nhiều chủ thể cũng đề xuất xây dựng các trung tâm trưng bày và phân phối sản phẩm OCOP thường xuyên tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Thay vì chỉ phụ thuộc vào các sự kiện ngắn hạn, nên có những không gian cố định để giới thiệu và bán hàng OCOP như một “showroom quốc gia”, giúp sản phẩm địa phương có điểm tựa lâu dài trong thị trường thành thị, nơi có sức mua và tiềm năng phát triển thương hiệu mạnh mẽ.
![]() |
Các hội chợ xúc tiến thương mại hàng năm là cơ hội để doanh nghiệp đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng thật, kết nối nhà phân phối thật. |
Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để sản phẩm OCOP tiếp cận các kênh phân phối hiện đại. Theo các doanh nghiệp, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính để cải tiến mẫu mã bao bì, ứng dụng công nghệ tem truy xuất nguồn gốc QR, đồng thời nâng cao năng lực tiếp thị số cho các chủ thể. Chỉ khi đó, sản phẩm OCOP mới có thể vượt khỏi phạm vi bán lẻ truyền thống, vươn tới các nền tảng thương mại điện tử chuyên nghiệp và thị trường tiêu dùng rộng lớn hơn.
“Sao OCOP” là nền tảng khởi đầu. Nhưng để đi tiếp và đứng vững, sản phẩm OCOP phải bước ra thị trường bằng cả chiến lược phát triển bài bản, sự hỗ trợ chính sách nhất quán và quyết tâm của chính mỗi chủ thể. Khi đó, mỗi sản phẩm OCOP sẽ không chỉ là niềm tự hào của địa phương, mà còn là giá trị bền vững trong chuỗi cung ứng nông sản quốc gia. |