Sửa luật ngân sách: Phân cấp nguồn thu, tăng quyền địa phương Địa phương khó khăn có thể giữ lại đến 90% nguồn thu từ đất |
Cần quy định nguyên tắc chặt chẽ
Sáng 26/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) đánh giá cao tính cấp thiết của việc sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước. Theo đại biểu, dự thảo đã có nhiều điều chỉnh hợp lý, đáng chú ý là việc thu gọn nhóm địa phương và nâng mức dư nợ vay để tạo điều kiện phát triển hạ tầng. Việc phân chia địa phương thành hai nhóm dựa trên tiêu chí tự cân đối ngân sách là phù hợp với thực tế hiện nay.
![]() |
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. Ảnh: VPQH |
Đặc biệt, đại biểu ủng hộ bổ sung thẩm quyền cho hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc ban hành một số khoản phí, lệ phí ngoài danh mục của Luật Phí và lệ phí. Việc này, theo bà Hà không chỉ tạo thêm nguồn thu mà còn nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên, để tránh lạm quyền và đảm bảo sự đồng bộ, đại biểu đề nghị cần quy định rõ nguyên tắc, cơ chế chuyển tiếp và bổ sung các điều khoản tương ứng trong Luật Phí và lệ phí hiện hành.
Về nhiệm vụ chi, đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình với quy định mới cho phép bố trí từ hai nguồn vốn thường xuyên và đầu tư. Điều này sẽ tăng tính linh hoạt và phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch.
Đáng chú ý, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhấn mạnh đến yêu cầu đánh giá lại việc phân cấp nguồn thu sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đây là điểm quan trọng cần được nghiên cứu kỹ để đảm bảo công bằng và hiệu quả trong việc điều tiết ngân sách giữa trung ương và địa phương.
Điều chỉnh thời hạn, thống nhất nội dung, tăng hiệu quả quản lý
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) tập trung góp ý các quy định về kỹ thuật lập và chấp hành ngân sách. Ông cho rằng, phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 còn thiếu tính bao quát. Vì vậy, cần bổ sung thêm các cụm từ thể hiện rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân liên quan đến ngân sách nhà nước để đảm bảo đầy đủ nội dung và đối tượng áp dụng.
![]() |
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: VPQH |
Góp ý về dự phòng ngân sách, ông đề nghị phân cấp cho Chủ tịch UBND các cấp được toàn quyền quyết định sử dụng ngân sách dự phòng thay vì phải xin ý kiến Ủy ban nhân dân. Việc này nhằm phản ứng nhanh trong các tình huống khẩn cấp.
Về quỹ dự trữ tài chính, đại biểu chỉ ra sự thiếu thống nhất giữa Điều 11 và Điều 57 về thời hạn hoàn trả. Một bên quy định hoàn trả trong 12 tháng, một bên là trong năm ngân sách. Điều này cần được rà soát và thống nhất để tránh chồng chéo.
Ngoài ra, ông đề nghị bổ sung chức năng chi trả nợ gốc, lãi vay từ quỹ tài chính để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính phát sinh, đặc biệt với ngân sách trung ương và cấp tỉnh.
Đối với thời hạn phân bổ và giao dự toán ngân sách, thời gian 10 ngày như dự thảo là quá gấp trong các tình huống đặc biệt như thiên tai hay dịch bệnh. Ông đề nghị sửa quy định cho phép tối đa 60 ngày để hoàn thành phân bổ.
Cuối cùng, đại biểu đề nghị bổ sung một điều khoản riêng trong Chương I về quản lý nhà nước đối với ngân sách, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, từ trung ương đến địa phương, nhằm tăng hiệu quả điều hành tài chính công.
Kiến nghị giữ lại nguồn thu đất cho địa phương
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) tập trung góp ý vào các nội dung có liên quan đến sử dụng nguồn lực tài chính tại địa phương. Theo bà, nên giữ nguyên quy định tỷ lệ ngân sách địa phương được hưởng 100% các khoản thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước. Đây là nguồn lực quan trọng để các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng và thực hiện các dự án có tính chất liên kết vùng.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương. Ảnh: VPQH |
Đồng thời, tại Điều 58 về sử dụng nguồn tăng thu, bà Xuân đề nghị bổ sung nội dung cho phép sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng khác như khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo tính chủ động cho địa phương.
Về quy định thưởng vượt thu, bà đề nghị điều chỉnh tỷ lệ ngân sách trung ương trích thưởng không quá 30% đối với các khoản thu phân chia và 10% với thuế xuất nhập khẩu, nhằm tạo động lực tăng thu và giữ lại nguồn lực hợp lý cho địa phương.
Góp ý về sử dụng quỹ dự trữ tài chính, đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc rõ ràng về điều kiện sử dụng và quy mô kết dư, không chỉ áp dụng cho TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội mà mở rộng cho các địa phương khác có năng lực tài chính mạnh.
Ngoài ra, bà kiến nghị rà soát Điều 21 và 22 để đồng bộ với quy định mới tại Điều 68a của Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) năm 2025, đặc biệt về nhiệm vụ thẩm tra, giám sát và kiến nghị chính sách của các ủy ban chuyên môn.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, qua thảo luận, các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay. Việc sửa Luật Ngân sách để tiếp tục đổi mới, phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch; đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tính chủ động của ngân sách địa phương; thúc đẩy cơ cấu ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi thường xuyên, tăng nguồn chi cho đầu tư phát triển,... |