Nghiên cứu bám sát nhu cầu thị trường
Trong giai đoạn 2022 - 2025, Viện Công nghiệp Thực phẩm (Bộ Công Thương) thực hiện 20 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó có: 10 nhiệm vụ cấp Bộ Công Thương, 4 nhiệm vụ cấp nhà nước, 4 nhiệm vụ cấp tỉnh và 2 đề tài hợp tác quốc tế.
![]() |
Viện Công nghiệp Thực phẩm là một trong những viện nghiên cứu đầu ngành của Việt Nam |
Chẳng hạn như: Nâng cao khả năng giám sát an toàn thực phẩm thông qua việc xây dựng mức giới hạn các chỉ tiêu vi sinh vật đối với sản phẩm dầu thực vật, ngũ cốc và sản phẩm của ngũ cốc; nghiên cứu sản xuất đồ uống chức năng bằng phương pháp lên men sử dụng vi khuẩn Acetobacter có hoạt tính probiotic; nghiên cứu công nghệ chế biến một số sản phẩm từ quả thanh long ruột đỏ (siro, mứt nhuyễn) phục vụ sản xuất kem, sữa chua.
Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất một số sản phẩm đồ uống hỗ trợ sức khỏe giàu acid chlorogennic (CGA) từ hạt cà phê xanh; nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm giàu peptide chức năng từ một số loại microalgae Việt Nam ứng dụng trong sản xuất thực phẩm dành cho người ăn chay; nghiên cứu ứng dụng công nghệ phytosome và microencapsulation để nâng cao tính sinh khả dụng của một số hoạt chất chiết tách từ chè xanh Việt Nam
Khai thác ứng dụng nguồn gen vi sinh vật bản địa phân hủy lignocellulose trong xử lý chất thải của nhà máy sản xuất cồn sinh học; nghiên cứu đặc điểm kháng kháng sinh nội tại của các chủng Lactobacillus để tạo chế phẩm probiotic an toàn dùng cho người; nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm và thực phẩm chức năng từ ấu trùng ong chúa và sữa ong chúa…
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2022-2025, Viện đã thực hiện 30 hợp đồng chuyển giao công nghệ, 40 hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ. Viện cũng đã công bố 56 bài báo khoa học, trong đó có 8 bài đăng trên tạp chí quốc tế; có 20 lượt cán bộ tham dự các hội thảo trong nước và quốc tế.
Lưu giữ trên 1.900 chủng vi sinh vật công nghiệp
PGS.TS Vũ Nguyên Thành, Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm cho biết, Viện Công nghiệp Thực phẩm là một trong những viện nghiên cứu đầu ngành của Việt Nam và là viện nghiên cứu duy nhất của Bộ Công Thương trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Đặc biệt, nằm trong mạng lưới bảo tồn gen quốc gia và quốc tế, Viện đang bảo tồn, lưu giữ trên 1.900 chủng vi sinh vật công nghiệp phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học. Nguồn gen được sử dụng và tạo ra những chủng vi sinh vật mới.
![]() |
Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Viện Công nghiệp Thực phẩm |
Viện cũng là một trong số ít các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam phát triển các loại enzyme tái tổ hợp. Viện đang hợp tác với Đại học Tổng hợp Chalmers, Thụy Điển trong tìm kiếm các enzyme mới, với công ty Amano Enzyme, Nhật Bản trong phát triển enzyme tái tổ hợp.
Cùng với đó, một trong những nhiệm vụ của Viện Công nghiệp Thực phẩm là hỗ trợ công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, sản xuất thực phẩm và công nghệ sinh học. Viện duy trì Trung tâm Phân tích và Giám định thực phẩm quốc gia hoạt động theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 (mã số VILAS 259). Trung tâm được chỉ định phân tích, giám định các mặt hàng Bộ Công Thương quản lý và kiểm tra, phân tích, giám định nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.
Viện cũng đang thực hiện các nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp thực phẩm, rà soát các quy định trong ngành để đánh giá sự phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành thực phẩm. Ngoài ra, Viện đang thực hiện các nhiệm vụ của Bộ Công Thương trong hỗ trợ đổi mới công nghệ và số hóa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ lĩnh vực thực phẩm.
Đặc biệt, trong năm 2024, Viện đã đào tạo về an toàn thực phẩm và lấy mẫu phân tích cho 10 doanh nghiệp với 144 học viên gồm các chủ doanh nghiệp, quản lý sản xuất, quản lý chất lượng và công nhân trực tiếp sản xuất.
Dựa trên định hướng của Bộ Công Thương trong phát triển ngành công nghiệp thực phẩm và công nghệ sinh học, nhu cầu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, năng lực thực tế và định hướng phát triển của Viện Công nghiệp Thực phẩm, mối quan tâm của một số viện nghiên cứu đầu ngành trong và ngoài nước, Viện đã đề nghị triển khai một số dự án.
Cụ thể, dự án Trung tâm kết nối, trình diễn và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp sinh học và thực phẩm đạt tiêu chuẩn GMP. Dự án đầu tư trung tâm này đã được Bộ Công Thương phê duyệt, báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, đây sẽ trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo tầm khu vực, phục vụ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu công nghiệp thực phẩm và công nghiệp sinh học ngành Công Thương.
Viện đã báo cáo đề xuất dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2026-2030 tại Công văn số 122/VTP-KHKH ngày 7/10/2024 của Viện Công nghiệp Thực phẩm gửi Bộ Công Thương. Dự kiến trong năm 2026, Viện Công nghiệp Thực phẩm sẽ thực hiện xây dựng dự án tiền khả thi.
Bên cạnh đó, đề nghị triển khai Đề án phát triển công nghiệp chế biến sâu gạo. Đề án nhằm mục tiêu xây dựng nền tảng công nghệ chế biến sâu, phát triển sản phẩm giá trị cao, nâng cao tỷ trọng đóng góp của chế biến và thương mại trong giá trị xuất khẩu ngành gạo Việt Nam. Đề án dự kiến có sự tham gia của các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong nước và các đối tác công nghệ, doanh nghiệp nước ngoài.
Viện Công nghiệp Thực phẩm cũng đề nghị triển khai Đề án phát triển công nghiệp protein thay thế từ thực vật và vi sinh vật, nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất protein thay thế hàng đầu Đông Nam Á, phát triển ngành công nghiệp giá trị cao, thân thiện môi trường và tự chủ nguyên liệu.
Trong các giai đoạn trước, thành tựu lớn nhất của Viện Công nghiệp thực phẩm là góp phần xây dựng nền tảng cho công nghiệp rượu, bia, nước giải khát của Việt Nam. Trong giai đoạn tới, Viện định hướng phát triển các công nghệ có tính cạnh tranh cao trong chế biến nông sản chủ lực của Việt Nam. Đồng thời, khẳng định vai trò là trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm. |